Thị trường Trung Đông nói chung, Kuwait nói riêng rất giàu tiềm năng nhưng việc thâm nhập thị trường này thời gian qua còn hạn chế do vấp phải rất nhiều rào cản. Nhằm giúp các doanh nghiệp Việt Nam cập nhật thông tin về chính sách thương mại, đầu tư và tập quán kinh doanh của thị trường này, mới đây VCCI – HCM đã phối hợp với Tổng Lãnh sự quán Kuwait tại Tp.HCM tổ chức “Hội thảo giới thiệu thị trường Kuwait”.
Thị trường Trung đông – Cánh cửa mở cho hàng Việt
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Phó Giám đốc VCCI – HCM Nguyễn Thế Hưng cho biết Kuwait là quốc gia giàu có ở Trung Đông thuộc Hội đồng hợp tác vùng Vịnh (khối GCC). Đây không chỉ là thị trường giàu tiềm năng để doanh nghiệp Việt khai phá mà còn là một cánh cửa mở để hàng hóa Việt Nam bước chân vào thị trường GCC bởi hàng hóa nhập khẩu vào Kuwait có thể được tiếp tục xuất miễn thuế sang các nước GCC.
Những năm gần đây, kim ngạch thương mại song phương giữa Việt Nam và Kuwait đạt mức tăng trưởng tốt. Trong năm 2013, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu giữa hai nước đạt trên 740 triệu USD, tăng nhẹ 0,4%; 10 tháng đầu năm 2014 xuất khẩu từ Việt Nam đạt 53,7 triệu USD và nhập khẩu từ Kuwait đạt 501,3 triệu USD. Ông Hưng lý giải sở dĩ kim ngạch giữa Việt Nam và Kuwait còn thấp, nguyên nhân chính là do cộng đồng doanh nghiệp hai nước chưa thật sự quan tâm và còn thiếu thông tin về thị trường, tập quán kinh doanh của nhau.
Ông Hưng cho biết trong một cuộc khảo sát gần đây của VCCI, các doanh nghiệp Kuwait đánh giá rất cao thị trường Việt Nam. Hàng hóa Việt Nam với chất lượng tốt, mẫu mã đẹp đã được chấp nhận tại những thị trường nổi tiếng khắt khe như EU, Nhật Bản…nên cũng dễ dàng được chấp nhận tại thị trường Kuwait.
Còn theo ông Abdulrahman Alothaina – Bí thư thứ ba Tổng Lãnh sự quán Kuwait tại Tp.HCM, mặc dù là một quốc gia sản xuất dầu khí giàu có nhưng Kuwait lại rất nghèo nàn về tài nguyên thiên nhiên. Kuwait nhập khẩu hầu hết các thiết bị sản xuất, thực phẩm chế biến, hàng tiêu dùng, các mặt hàng nông sản và luôn tìm kiếm các nguồn cung ổn định nhằm đảm bảo chính sách an ninh lương thực quốc gia. Điều này mở ra cơ hội cho các quốc gia hướng mạnh về xuất khẩu như Việt Nam trở thành đối tác thương mại với Kuwait.
Ông Abdulrahman Alothaina lưu ý doanh nghiệp nước ngoài không thể tham gia kinh doanh tại Kuwait nếu không có một đối tác Kuwait nắm giữ ít nhất 51% cổ phần. Ngoài ra công ty nước ngoài không được phép mở chi nhánh tại Kuwait và cũng không được phép tham gia các hoạt động thương mại nếu không thông qua một đại lý Kuwait. Tuy nhiên để nới lỏng quy định này, Quốc hội Kuwait đã thông qua Luật số 8 quy định về đầu tư trực tiếp nước ngoài tại Kuwait, cho phép nhà đầu tư nước ngoài sở hữu 100% vốn trong một số lĩnh vực nhất định.
Về vấn đề chất lượng khi thâm nhập thị trường Kuwait, ông Abdulrahman Alothaina khuyến nghị các doanh nghiệp Việt Nam cần chú trọng tới các quy định của đạo Hồi, không xuất sang Kuwait các mặt hàng bị cấm hoặc bị hạn chế nhập khẩu như thức uống có cồn, thịt heo và các sản phẩm làm từ thit heo. Hàng hóa sang Kuwait phải đạt các tiêu chuẩn chất lượng KSS, GSS hoặc các tiêu chuẩn quốc tế theo quy định của Chính phủ Kuwait. Ngoài ra bao bì sản phẩm xuất khẩu sang Kuwait phải được dịch sang tiếng Ả – Rập (ngôn ngữ chính thống của người Kuwait); chú trọng thiết kế bao bì bằng màu đỏ và xanh lá cây vốn là những màu sắc ưa thích tại Kuwait để thu hút sự chú ý của người tiêu dùng nước này.
Theo kinh nghiệm của ông Abdulrahman Alothaina, một trong những cách nhanh nhất và hiệu quả nhất để doanh nghiệp Việt quảng bá sản phẩm và xâm nhập thị trường Kuwait là tổ chức một số cuộc triển lãm tại Kuwait. Điều này mở ra cơ hội rất tốt cho các công ty thương mại của Kuwait đến xem và đánh giá trực tiếp sản phẩm Việt Nam cũng như trao đổi các thông tin liên quan ngay tại chỗ, hướng tới thiết lập quan hệ đối tác hiệu quả.