Ở đất nước Kuwait hiện tại người ta tiêu thụ nước nhiều gấp 3 lần so với cách đây 10 năm trong khi mức nước dự trữ chỉ cho phép dùng trong tối đa 7 ngày. Như vậy Kuwait là nước có nhiều dầu mỏ nhưng lại thiếu nước trầm trọng. Chính phủ Kuwait phải tìm mọi cách đối phó trong đó có việc lấy nước dự trữ chiến lược để thỏa mãn nhu cầu về nước của người dân.

Kuwait là nước có nhiều dầu mỏ nhưng lại thiếu nước trầm trọng
Hiện tại người Kuwait tiêu thụ nước nhiều gấp 3 lần so với cách đây 10 năm
Đầu tháng 3 năm nay, vấn đề nước đã bùng nổ thành một vấn đề chính trị lớn khi một số khu vực đã bị cắt nguồn cung cấp nước. Tình hình đáng lo ngại vì Kuwait là đất nước ở vùng Vịnh có nguồn dự trữ nước kém nhất. Điều này giải thích lý do tại sao diện tích làm nông nghiệp của Kuwait hết sức hạn chế, chỉ chiếm 0,06% lãnh thổ quốc gia. Ít mưa, ánh nắng mặt trời bao giờ cũng gay gắt, thảm thực vật nghèo nàn và nhất là ít có sông ngòi. Hầu như toàn bộ các trận mưa hiếm hoi đều bốc hơi và không xuống tới được các tầng nước ngầm. Một nhân tố làm cho tình hình ngày càng thêm trầm trọng là việc tăng dân số mỗi năm 3,3%, một trong những mức cao nhất thế giới. Công cuộc công nghiệp hóa và đà tăng trưởng kinh tế cũng đã góp phần nâng cao mức sử dụng nước. Đó là chưa nói tới những tác hại của tình trạng thừa thãi dầu mỏ nên đã thúc đẩy người ta xây dựng các công viên và các quảng trường làm cho nhu cầu tưới nước lên rất cao. Chính vì những lẽ đó nên mức tiêu dùng nước tính theo đầu người tăng lên rất mạnh: Mỗi người mỗi ngày từ mức 45 gallon năm 1975 lên tới 111 gallon năm 2003 (tức 420 lít).

Kuwait là đất nước ở vùng Vịnh có nguồn dự trữ nước kém nhất
Cũng cần biết rằng ở Kuwait giá nước được hưởng trợ cấp rất lớn: Ngân sách dành cho nước đã từ 78 triệu dinar năm 1995 lên 238 triệu năm 2003. Để giảm bớt gánh nặng cho dân, ngân sách Nhà nước đã đưa lại hậu quả tai hại là làm cho công chúng không nhận thức được tính chất nghiêm trọng của vấn đề mà còn khuyến khích sự lãng phí nước. Trong khi chờ đợi những biện pháp mà chính phủ đề ra mang lại kết quả, Kuwait đành phải dùng tới dự trữ chiến lược của mình. Theo ước tính của cơ quan phụ trách về nước, thì khối lượng nước dự trữ lên tới 1 tỉ gallon tức là tương đương với nhu cầu nước được dùng một tuần lễ, không tính đến những biện pháp tình thế phải phân phối nước theo tiêu chuẩn quy định. Cuộc khủng hoảng hiện nay có thể buộc các nhà chức trách phải đưa mức dự trữ nước từ 50 lên tới 350 triệu gallon (tức là 189 triệu lên 1,3 tỉ lít) mỗi ngày.
Chính quyền đã định ra một thời hạn là 3 năm để xây dựng các cơ sở sản xuất nước nhằm khắc phục cuộc khủng hoảng. Hiện tại đã có 6 trạm khử mặn nước biển đang hoạt động và một trạm khác đang được xây dựng. Các trạm đó cung cấp gần 90% lượng nước dùng hằng ngày và như vậy là Kuwait đứng hàng thứ ba trên thế giới về khử mặn nước biển để dùng cho sinh hoạt. Nhưng kỹ thuật này cực kỳ tốn kém. Quốc vương Jaber al Ahmed as Sabah đã phát động một cuộc vận động toàn quốc tiết kiệm nước. Tuy nhiên các nghị sĩ quốc hội tỏ ra ít tin tưởng vào các biện pháp trên đây. Họ chỉ trích chính phủ chậm nhận ra tính chất nghiêm trọng của vấn đề. Theo họ, đây không chỉ là cuộc khủng hoảng về nước mà còn là cuộc khủng hoảng trong cách điều hành nhà nước. Một số còn lên án bộ trưởng phụ trách về nước và năng lượng đã bảo vệ những lợi ích cá nhân trong khi cổ vũ cho việc thực hiện dự án mua nước từ Iran (dự án này với kinh phí lên tới 1,5 tỉ USD trù tính đặt một đường ống dưới biển để đưa nước từ sông Karkek ở Iran qua vịnh Ba Tư tới Kuwait). Nghị sĩ Marzouk al Hubaini tỏ ra mất tin tưởng ở chính phủ và ông đã đưa ra những lời chỉ trích gay gắt: “Hôm nay chúng ta gặp khủng hoảng về nước, ngày mai chúng ta sẽ có cuộc khủng hoảng về điện và ngày kia sẽ là cuộc khủng hoảng về nhà ở”.
Nguồn: nld.com.vn